Hầu hết cư dân mạng đều khẳng định: “Tôi không muốn bị người khác làm phiền trừ khi cần thiết và tôi không thích người khác đến thăm nhà mình”.
Điều kiện và quan niệm sống hiện nay của một số người, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là thái độ của họ đối với các mối quan hệ thân mật, quan hệ họ hàng và các mối quan hệ xã hội.
Xét từ góc độ tâm lý học, tại sao người ta lại không thích khách đến chơi nhà mình?
Cảm giác bị soi mói và làm phiền
Quan niệm xã hội của thế hệ già và thế hệ trẻ là khác nhau. Đặc biệt khi sống ở nông thôn và sống ở thành thị, quan điểm xã hội lại càng khác nhau.
Khi sống ở nông thôn, hầu như nhà nào cũng có sân rộng rãi. Nhiều vùng quê giữ thói quen dọn bàn ghế rồi ngồi trong sân ăn uống, nói cười rất thoải mái.
Phong cách xã hội của thế hệ cũ là tự do, không bị gò bó, trong một không gian rộng rãi, mọi người không quá cảnh giác, không có ý nghĩ “bị làm phiền”.
Trong khi đó, ở cộng đồng đô thị, không gian ngôi nhà đã bị nén lại nhiều hơn. Ngay cả khi ngôi nhà của bạn có diện tích lớn thì trông vẫn rất chật hẹp.
Với những người sống trong căn nhà rộng từ 60 đến 70m2, việc cả gia đình cùng chung sống là khá chật chội, do đó họ khó chấp nhận việc mời bạn bè đến nhà.
Khi không gian thay đổi, ý thức phòng thủ và ranh giới của con người càng được nâng cao. Nhà là không gian “riêng tư”. Nếu người khác xâm phạm quá nhiều sẽ khiến chúng ta cảm thấy bất an.
Đối với một số người, hành vi của người khác đến nhà mình với tư cách là khách sẽ tạo cảm giác bị “soi mói”.
Ví dụ, nhà của bạn chỉ có 70 mét vuông, phòng khách rất nhỏ. Có hai phòng và một gia đình ba người sống ở đó. Ngày thường, không gian này chỉ đủ để bạn ở. Đột nhiên, có người họ hàng gọi điện và nói muốn đến nhà bạn chơi.
Kết quả, năm hoặc sáu người đã đến. Khi có quá nhiều người đến cùng lúc, bạn thậm chí không thể ngồi trong phòng khách. Nhưng khi đứng cùng nhau, mọi người đều cảm thấy ngột ngạt.
Đó là lý do nhiều cặp vợ chồng trẻ ngày nay không sẵn sàng chiêu đãi bạn bè ở nhà mà thích ra nhà hàng bên ngoài hơn. Tại đó, mọi người trò chuyện sau khi ăn uống no đủ rồi mới trở về nhà. Tụ tập kiểu này vừa dễ dàng, vừa không rắc rối và không căng thẳng.
Quen với sự yên tĩnh và không muốn bị làm phiền
Không chỉ vợ chồng trẻ cần không gian riêng tư, một số người độc thân cũng quen với việc sống một mình. B. sống một mình gần 10 năm, trước khi bước sang tuổi 30, anh đã chán sống cùng gia đình.
Mỗi lần ở với bố mẹ, anh đều cảm thấy áp lực. Anh đã từng yêu đương và hẹn hò mấy lần nhưng lần nào anh cũng là người chủ động chia tay.
Lý do là, nếu bạn đã quen với việc sống một mình thì việc sống chung với người khác sẽ khiến bạn cảm thấy căng thẳng và khó chịu.
B. chưa bao giờ tính đến chuyện kết hôn và chỉ có thể chấp nhận mối quan hệ yêu đương đơn giản với đối phương.
Trên thực tế, có rất nhiều người như vậy. Họ đã quen sống trong một không gian cố định và một trạng thái sống cố định. Họ không muốn bị làm phiền và không muốn người khác bước vào không gian riêng tư của mình. Sống cùng người khác, họ cảm thấy vừa phiền phức vừa nhàm chán.
Khi đã quen sống một mình, bạn sẽ cáu kỉnh khi có khách đến nhà, thậm chí cảm thấy không thể chấp nhận được. Ví dụ, bạn phải dọn dẹp nhà cửa khi người khác đến chơi, bạn phải mua thêm hàng tạp hóa, bạn phải chuẩn bị một vài món quà nhỏ để khách mang về…
Hơn nữa, khách cũng có thể mang đến cho bạn một số rắc rối khác, chẳng hạn đứa trẻ nghịch ngợm nhà họ hàng làm hỏng bộ sưu tập quý giá của bạn, người thân hồn nhiên lấy đi một món đồ bạn yêu thích, rồi có người khách ở lì nhà bạn từ sáng đến tối không muốn về…
Có ý kiến cho rằng giới trẻ ngày nay ít có ý thức về tình cảm gia đình, không thích giao lưu, không thích kết bạn quá nhiều, họ chỉ tận hưởng cuộc sống riêng và thích nhịp điệu riêng của mình.
Điều này chứng tỏ một vấn đề: Ngày càng có nhiều người bắt đầu chú ý đến “ý thức về ranh giới xã hội”. Do đó, đừng cố ý làm phiền cuộc sống của người khác và hãy cẩn trọng về việc đề nghị hoặc gợi ý đến chơi nhà người khác.